Đặt vấn đề

Tác động của nắng nóng trong giai đoạn mùa hè đỉnh điểm này hiện lên rất rõ. Nếu ngôi nhà được thiết kế không tốt về đối lưu gió, nó sẽ khiến bạn cảm thấy khó chịu và bí bách. Lâu dần bạn sẽ bị ảnh hưởng đến sức khoẻ. Các giải pháp chống nóng cho công trình luôn là vấn đề đầu tiên trong thiết kế để tạo cho đời sống sinh hoạt diễn ra thoải mái nhất.

Nguyên nhân

Nguồn nhiệt chính từ bức xạ mặt trời. Trường hợp xấu nhất nhà hướng Tây.

Nhiệt truyền qua các bề mặt vật liệu của mái nhà, tường chắn và làm cho các bề mặt này nóng lên rồi truyền nhiệt cho các vật thể khác trong nhà.

Việc thiết kế nhà có chuyên môn là rất quan trọng.

Giải pháp

  • Giải pháp quy hoạch

Nhà hướng Nam sẽ là hướng tốt nhất vì khí hậu Việt Nam nói chung sẽ đón gió Đông Nam làm mát tự nhiên cho công trình của bạn. Hơn nữa, hướng Nam sẽ tránh bức xạ mặt trời ở hướng Tây.

Tuy nhiên, để chọn được hướng Đông- Nam đẹp thì phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau. Trong trường hợp không tìm được hướng tốt, nên thiết kế ưu tiên hướng tốt cho không gian nghỉ ngơi, thư giãn như sinh hoạt chung, làm việc học tập và phòng ngủ.

  • Giải pháp thiết kế

Đây là giải pháp tối ưu nhất có thể linh hoạt nhất, nhiều biện pháp:

  • Bố trí mặt bằng hợp lí ưu tiên các không gian chính tránh tiếp xúc với bề mặt hứng mặt trời; đẩy các không gian phụ như cầu thang, kho, vệ sinh ra phía đó.
  • Tạo những khoảng lùi, khoảng âm như sảnh, logia, khe kỹ thuật… để tránh bức xạ mặt trời vào bề mặt không gian chính.
  • Nhà hướng Tây có điểm bất lợi là chịu ánh nắng gay gắt, nhất là vào ngày hè. Trong công trình này, các kiến trúc sư đã đưa ra ý tưởng thiết kế phần mái nhà có độ dốc lớn, che phủ hầu hết khu vực chính, trong đó có những bức tường hứng nắng của công trình. 
  • Xây tường dày, tường hộp (rỗng), sử dụng vật liệu cách nhiệt (gạch rỗng, tấm cách nhiệt, tấm 3D panel, bê tông cốt liệu khí…) cho kết cấu bao che. Thiết kế cửa hợp lý về vị trí và vật liệu. Các giải pháp này đều dựa trên nguyên lý làm giảm bức xạ và dẫn nhiệt từ bên ngoài.
  • Dùng các loại vật liệu chống nóng cho mái như tấm đan, gạch lỗ, mái tôn (đối với mái bằng, bê tông), sử dụng trần giả cách nhiệt (đối với mái dốc, mái ngói). Giải pháp này phải đặc biệt lưu ý vấn đề thông gió cho khối không khí giữa hai lớp mái.
  • Giảm độ phát xạ của bề mặt công trình bằng cây cối, như trồng cây leo trên tường, thiết kế vườn – mặt nước trên mái. Đây là một giải pháp đem lại thẩm mỹ khá tốt, tuy nhiên có những biến đổi nhất định theo thời gian.
  • Tổ chức mặt bằng, thiết kế vị trí và cấu tạo cửa hợp lý; thiết kế sân trong, giếng trời để tăng cường đối lưu không khí. Mục đích là làm sao cho khối khí nóng thoát lên trên và ra ngoài, nhường chỗ cho khối khí nhiệt thấp hơn.
  • Giải pháp vật liệu

 

  • Sử dụng lam nhôm chắn nắng điều khiển tự động che nắng:

Cùng với mái, tấm chắn nắng và hệ lam che phủ các mảng tường giúp chống nóng cho tường nhà hiệu quả. Đồng thời, ý tưởng chống nắng cũng đảm bảo yếu tố thẩm mỹ, cân đối, hài hòa cho công trình.

  • Rèm cuốn chắn nắng tự động:

Rèm cuốn tự động là rèm có gắn kèm động cơ rèm (motor rèm), điều khiển bởi thiết bị điều khiển từ xa (Remote). Nhờ được gắn động cơ nên những bộ rèm to nặng, có độ cao lớn đã không còn là trở ngại.

Bên cạnh tác dụng che chắn nắng gió như rèm truyền thống, rèm tự động còn được xem là một điểm nhấn trong thiết kế không gian hiện đại và giải quyết được nhiều nhược điểm của mành rèm truyền thống.

  • Sử dụng gạch thông gió và gạch thẻ: 

Gạch thông gió (hay còn gọi là, gạch bông gió, gạch hoa mai) là loại gạch được làm từ gạch tuynel và gốm đất nung, thường được sử dụng để xây tường lấy sáng và tạo độ thoáng gió trong nhà. Hơn nữa nó còn có tác dụng giảm bức xạ nhiệt khá tốt và có độ bền cao.

Nếu không thích lam gỗ hoặc gạch thông gió, gạch thẻ cũng là 1 loại gạch đáng lưu tâm trong việc chống nóng nhà hướng tây. Bằng cách xếp gạch đan xen nhau tạo nên những lỗ thông gió và ánh sáng, vừa mang tính thẩm mỹ cao, vừa giúp ngôi nhà thoáng mát.

  • Phim cách nhiệt:

Phim cách nhiệt là một tấm polyester kết hợp công nghệ Men gốm và lọc quang phổ hồng ngoại, công nghệ cản tia hồng ngoại, công nghệ phún xạ và tráng phủ kim loại có keo dán để dán lên bề mặt bên trong kính ô tô, nhà kính, căn phòng, tòa nhà cao ốc, chung cư.

Phim cách nhiệt có tác dụng phản chiếu hoặc hấp thụ sức nóng từ ánh mặt trời, làm dịu ánh nắng, ngăn cản tia UV, tiết kiệm điện làm mát.

  • Kính tiết kiệm năng lượng:

Kính tiết kiệm năng lượng là sản phẩm được sản xuất bằng cách phủ các lớp vật liệu vô cơ với kích thước nano lên bề mặt phôi kính trắng nhằm kiểm soát năng lượng mặt trời truyền qua kính. Các lớp phủ có khả năng ngăn chặn một cách chọn lọc các tia bức xạ nhiệt từ mặt trời và tạo nên màu sắc kính.

  • Giải pháp môi trường, sinh thái

Cây xanh, mặt nước luôn là những yếu tố không thể thiếu, song hành cùng công trình kiến trúc. Cây xanh tạo bóng mát, ngăn và che cho bề mặt công trình kiến trúc khỏi bức xạ mặt trời. Mặt nước (ao, hồ, bể cảnh…) cùng cây xanh điều hoà khí hậu, làm môi trường mát và trong sạch hơn.

Tạo tiểu cảnh sân vườn và phân bổ cây xanh trong khuôn viên nhà. Một biện pháp hữu hiệu chống nắng cho tường được yêu thích là trồng dây leo, cây xanh leo bám lên tường. Tuy nhiên, cách làm này cần nhiều thời gian. Ngoài ra, gia chủ phải tính đến khả năng có thể phải chống chọi với côn trùng, loài muỗi nếu dây leo quá rậm rạp. 

  • Giải pháp kĩ thuật 
  • Máy điều hoà nhiệt độ (Máy lạnh):

Được coi là hiện đại, và dễ dàng triển khai ứng dụng. Tuy nhiên máy điều hoà nhiệt độ cũng bộc lộ nhiều nhược điểm nhất định. Trước hết giải pháp này tiêu hao nguồn năng lượng đáng kể, và ảnh hưởng tới môi trường. Theo nguyên tắc cân bằng nhiệt, để giảm nhiệt độ trong phòng thì nó làm tăng nhiệt độ bên ngoài bằng nhiệt lượng tương đương. Bên cạnh đó, máy điều hoà nhiệt độ khó đáp ứng được cho các không gian mở, không gian quá lớn.

  • Thông gió:

Bên cạnh việc đối lưu tự nhiên, giải pháp thông gió cưỡng bức được coi là một giải pháp hữu hiệu cho việc chống nóng khi đối lưu tự nhiên không hiệu quả. Các hệ thống thông gió được thiết kế hợp lý sẽ góp phần chống nóng, và nên tận dụng – kết hợp với giải pháp kiến trúc như giếng trời

  • Phun nuớc, phun sương:

Hệ thống phun sương gần đây được triển khai ứng dụng nhiều, trong các không gian công cộng như nhà hàng, và cả nhà ở. Việc phun nước, phun sương tạo ra hiện tượng nước bốc hơi thu nhiệt, đồng thời tăng cường đối lưu không khí. Ngoài ra, áp lực phun nước, sương tạo chuyển động không khí gây mát.

  • Dùng sơn chống nóng chuyên dụng cho bề mặt công trình.

Sơn cách nhiệt trên kính là một lớp phủ nano công nghệ cao mỏng trong suốt có tính năng cách nhiệt bền vững trên bề mặt kính với thành phần chính là CWO có tính năng cách nhiệt, ngăn tia hồng ngoại, tia UV một cách hiệu quả. 

Trên đây là tất cả các giải pháp chống nắng nóng cho công trình phù hợp với khí hậu VIệt Nam trong những ngày hè đỉnh điểm. Việc thiết kế công trình có chuyên môn sẽ giúp bạn tận dụng được ưu thế nắng gió tự nhiên và tiết kiệm chi phí về mặt lâu dài nhất, mặt khác sẽ giảm mức tối thiểu tác động xấu của môi trường dẫn đến ảnh hưởng sức khoẻ của người sử dụng.